1 |
Tóm tắt nội dung: Đề tài được thực hiện trên heo nái, heo con từ theo mẹ đến 90 ngày tuổi chưa tiêm phòng PRRSV, MH và APP ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được chia làm 3 khu vực: khu vực 1 (Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành), khu vực 2 (Chợ Gạo, TP.Mỹ Tho, và Tân Phước), khu vực 3 (Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và TX. Gò Công).
Sau hơn 2 năm triển khai, nhóm thực hiện có kết quả như sau: Về tình hình chăn nuôi: Tỉ lệ bệnh ở nhóm heo cai sữa đứng hàng đầu so với các nhóm heo khác; dấu hiệu bệnh trên heo cai sữa liên quan nhiều đến bệnh đường hô hấp; tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh đường hô hấp trên heo rất thấp, chủ yếu là chủ nuôi sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn cho heo trong từng giai đoạn cần thiết. Về tỉ lệ nhiễm một số bệnh đường hô hấp phổ biến trên heo: Tỉ lệ heo có kháng thể kháng PRRSV giữa các khu vực đều như nhau, tuy nhiên tỉ lệ mẫu có kháng thể MH, APP của khu vực 1 là cao nhất; tỉ lệ heo có kháng thể kháng PRRSV giữa các nhóm tuổi đều như nhau, tuy nhiên tỉ lệ heo có kháng thể MH, APP của nhóm tuổi 2 (31- 45 ngày tuổi) là cao nhất. Về xây dựng mô hình điểm: Sau 2 lần tác động, kết quả về tỉ lệ mẫu của heo con có kháng thể kháng APP và MH, tỉ lệ mắc bệnh và chết trên heo con ở lô 2 và 3 đều thấp hơn so với lô 1. Điều này cho thấy, bước đầu kháng sinh sử dụng trong đề tài có hiệu quả trong việc phòng bệnh do APP và MH gây ra, góp phần mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Kết quả thử nghiệm của đề tài có thể ứng dụng trong sản xuất tại địa phương, góp phần nâng cao năng suất người chăn nuôi heo sau cai sữa trong thời gian tới. |