Số lượt truy cập
Thống kê: 398.560
Trong tháng: 73.192
Trong tuần: 13.979
Trong ngày: 273
Online: 55

Sáng ngày 16/9, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức hội đồng xét giao trực tiếp đề tài KH&CN cấp tỉnh: “Xác định giá trị khoa học của các loài nấm dược liệu ở tỉnh Đắk Lắk và phát triển thành sản phẩm thương mại đặc trưng của tỉnh”. Đề tài do Trường Đại học Tây Nguyên chủ trì thực hiện và PGS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên làm chủ nhiệm đề tài; Đơn vị phối hợp thực hiện là Viện Hóa học Các hợp chất thiên nhiên và Trường Đại học Phenikaa.

Toàn cảnh Hội đồng

Theo thuyết minh đề tài cho thấy, nấm nói chung và các loài nấm lớn nói riêng thường để làm thực phẩm, chế biến thức ăn, làm thuốc chữa bệnh. Nấm lớn được hiểu là có quả thể rõ ràng, xuất hiện trên cây, trên hoặc dưới mặt đất và cá thể nhìn thấy bằng mắt thường và hái bằng tay. Theo ước tính trên thế giới có khoảng 140.000 loài nấm lớn, trong đó có 14.000 loài đã được biết và mô tả, trong đó có khoảng 50% loài có thể dùng làm thực phẩm. Hơn 2.000 loài nấm không có độc tính, có thể sử dụng an toàn cho người và 700 loài có hoạt tính sinh học có thể dùng cho ngành y dược. Nấm lớn được sử dụng trong y dược nhiều nhất là nấm linh chi. Một số loại đang được sử dụng rộng rãi phải kể đến là nấm hương, nấm vân chi, nấm hầu thủ và đặc biệt là nấm linh chi.

PGS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên - Chủ nhiệm đề tài báo cáo thuyết minh

Trong những năm qua người dân ở tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu quan tâm đến nghề trồng nấm, tuy nhiên các cơ sở trồng nấm phần lớn với quy mô gia đình như một số cơ sở trồng nấm ở huyện Cư Kuin, huyện Krông Pắk và một số hợp tác xã trồng nấm ở các huyện Krông Ana, thành phố Buôn Ma Thuột. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 50 cơ sở trồng nấm khác nhau tập trung trồng chủ yếu các loại nấm thông thường như nấm mèo, nấm bào ngư, nấm rơm… một số ít trang trại trồng nấm dược liệu như linh chi, hầu thủ.

Dựa trên nền tảng kiến thức khoa học để xác định giá trị khoa học của các loại nấm có giá trị dược liệu quý ở tỉnh Đắk Lắk, Ban chủ nhiệm đề tài mong muốn sẽ tuyển chọn xây dựng, nuôi trồng và phát triển thành sản phẩm từ nấm mang tính đặc trưng và sử dụng trong thương mại mang tính thương hiệu đặc trưng cho tỉnh Đắk Lắk, qua đó hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển kinh tế xã hội từ nguồn lợi tự nhiên một cách bền vững.

PGS.TS Trần Trung Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, đại diện cơ quan
quản lý phát biểu ý kiến

Ban chủ nhiệm đề tài đã đưa ra mục tiêu chung của đề tài là: Điều tra, đánh giá tiềm năng, nghiên cứu khả năng phát triển và thương mại hóa một số loài nấm dược liệu (tập trung vào nấm linh chi) có giá trị của khu vực tỉnh Đắk Lắk; Nhân rộng, nuôi trồng và sản xuất 03 sản phẩm từ các loài nấm linh chi có nguồn gốc từ tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, nội dung nghiên cứu của đề tài gồm 08 nội dung: 1) Lập bộ cơ sở dữ liệu về các loài nấm thuộc nấm dược liệu (tập trung họ nấm linh chi) ở khu vực tỉnh Đắk Lắk; 2) Xây dựng quy trình nhân giống và nuôi trồng một số loài nấm linh chi (Ganoderma sp) tiềm năng (có hoạt tính sinh học cao thu được ở (1)) để làm nguyên liệu sản xuất chế phẩm; 3) Nghiên cứu tạo chế phẩm để sản xuất các loại sản phẩm từ nấm linh chi; 4) Ứng dụng chế phẩm nấm linh chi trong sản xuất sản phẩm thực phẩm; 5) Thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của các sản phẩm từ nấm linh chi; 6) Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho 01 chế phẩm nấm linh chi và 02 sản phẩm thực phẩm từ nấm linh chi; 7) Tổ chức hội thảo khoa học; 8) Báo cáo tổng kết đề tài.

TS. Đinh Khắc Tuấn - Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận của Hội đồng

Qua báo cáo thuyết minh của đề tài; Hội đồng đã đánh giá cao ý nghĩa thực hiện của đề tài và đưa ra nhiều ý kiến nhận xét, góp ý cho Ban chủ nhiệm về báo cáo thuyết minh; Đặc biệt là những ý kiến phản biện để làm rõ những nội dung cần thực hiện của đề tài, giúp đề tài triển khai thực hiện đạt kết quả. Hội đồng đã bỏ phiếu chấm điểm và kết quả đề tài xếp loại đạt.

Theo Sở KH&CN Đắk Lắk


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.