Liên kết website

Thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp và gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin COVID-19, xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương, cũng như các chính sách của Chính phủ trong phòng chống dịch... Những thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội đã và đang gây hoang mang dư luận, làm phức tạp hơn công tác phòng, chống dịch bệnh; do đó, muốn chống dịch bệnh hiệu quả thì cần phải chống tin giả, tin xấu trên mạng xã hội; bên cạnh đó, mỗi cá nhân đều phải nâng cao trách nhiệm của mình trước gia đình và xã hội; không nên tấn công vào đời tư những người nhiễm COVID-19, tung những tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng tới họ và gia đình.

          Các quy định của pháp luật về xử phạt đối với tuyên truyền thông tin sai sự thật về Covid-19 như sau:

* Về xử phạt hành chính

          Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực… sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì mức phạt trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

          Như vậy, người tung tin giả, sai sự thật về Covid-19:

          Cá nhân sẽ bị phạt hành chính từ 05 đến 10 triệu đồng,

          Tổ chức vi phạm bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

* Về chịu trách nhiệm hình sự

          Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật gây dư luận xấu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015:

          Phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

          Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 đến 07 năm.

          * Ngoài ra, căn cứ Điều 156 Bộ luật hình sự 2015:

          Trường hợp xác định được chính xác người tung tin sai sự thật và có tính chất vu khống thì tùy từng mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm tù.

          Nếu không xác định được chính xác người tung tin sai sự thật mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến dưới 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.

          Tuy nhiên, để tăng cường, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các cơ quan chức năng và các địa phương cần phải đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch, tập trung truyền thông các chủ trương, chính sách, quy định thông qua các hình thức truyền thông khác nhau, phổ biến kiến thức, biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường cung cấp thông tin tích cực, những nỗ lực của các ngành, các cấp nhất là ngành y tế tạo sự an tâm, ủng hộ, tin tưởng của nhân dân đối với các hoạt động phòng chống dịch như:

          Thực hiện thông điệp 5K, chiến lược vắc xin, lợi ích tiêm chủng phòng COVID-19, kết quả điều trị, cách ly, nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị, các mô hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch, những hình ảnh đẹp của người thầy thuốc, sự đoàn kết, nỗ lực của các lực lượng chống dịch,... Cập nhật, xây dựng các sản phẩm truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 và đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, báo đài, kênh truyền thông mạng xã hội và các phương thức truyền thông hiệu quả khác với quan điểm “Đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế bảo đảm thông tin thống nhất, kịp thời, chính xác và minh bạch…

Nguyễn Tứ Việt – Phòng Tư pháp


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình: